Các luận điểm cho khả năng lên giá của Bitcoin

Bảo Chi
53 min readOct 3, 2020

--

Dưới đây là bản dịch của bài viết The Bullish Case For Bitcoin của tác giá Vijay Boyapati

Với việc giá bitcoin đạt đỉnh mới vào 2017, việc cho rằng khả năng giá sẽ tiếp tục tăng dường như là một điều hiển nhiên với nhiều nhà đầu tư. Nhưng nhiều người cũng cho là thật dại dột khi đầu tư vào một loại tài sản không được đảm bảo bằng bất cứ loại hàng hóa hay chính phủ nào, mà tốc độ tăng giá không khác mấy cơn sốt hoa tulip 1637 hay bong bóng dot-com năm 2000. Chẳng bên nào đúng cả; việc tin rằng giá sẽ lên khá là có cơ sở, nhưng không hề chắc chắn. Có những rủi ro đáng kể tồn tại trong việc đầu tư vào Bitcoin, nhưng với những gì tôi sẽ phân tích sau đây, cũng sẽ cho thấy một cơ hội lớn đến choáng ngợp.

Khởi nguyên

Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại mà người ta có thể vận chuyển giá trị vượt một khoảng cách xa mà không cần tin tưởng vào một bên trung gian như ngân hàng hay chính phủ. Vào năm 2008 Satoshi Nakamoto, người mà danh tính vẫn còn chưa được xác định, công bố một lời giải dài 9 trang cho một bài toán lâu nay chưa có lời giải trong khoa học máy tính mang tên Bài Toán Tướng Byzantine. Giải pháp của Nakamoto và hệ thống mà ông xây dựng lên với nền tảng đó — Bitcoin — đã lần đầu tiên trong lịch sử giúp giá trị có thể được vận chuyển đi xa một cách nhanh chóng mà không cần phụ thuộc vào niềm tin. Sự ra đời của Bitcoin có những ảnh hưởng sâu sắc đến cả kinh tế học và khoa học máy tính đến mức mà Nakamoto hoàn toàn xứng đáng là người đầu tiên của nhân loại đạt được cả Nobel Kinh Tế Học và Giải Thưởng Turing.

Dưới con mắt của nhà đầu tư, việc phát minh ra Bitcoin cũng chính là sự ra đời của một loại hàng hóa kĩ thuật số quý hiếm mới — bitcoin. Bitcoin là những đồng tiền kĩ thuật số có thể truyền phát được. Nó được tạo ra trên mạng lưới Bitcoin bằng một quy trình được gọi là “đào”. Việc đào Bitcoin có thể so sánh nôm na với việc đào vàng, chỉ khác là việc sản sinh ra bitcoin tuân theo một lịch trình đã được thiết kế rõ ràng sẵn từ trước và có thể dự đoán được. Nó đã được thiết kế là sẽ chỉ có 21 triệu bitcoin được đào ra và phần lớn trong số đó đã được đào xong — ước tính có khoảng 16.8 triệu bitcoin đã được đào ở thời điểm viết bài này (2018). Mỗi một năm, số bitcoin đào được sẽ giảm đi một nữa và việc đào ra bitcoin mới sẽ hoàn toàn kết thúc vào năm 2140

Người dịch: Đồ thị về tốc độ lạm phát của Bitcoin theo thời gian. Màu đỏ là tỉ lệ lạm phát đi theo trục tung bên trái, màu xanh là số lượng bitcoin được đào ra đi theo trục tung bên phải

Bitcoin không được đảm bảo bằng bất cứ hàng hóa vật chất hay chính phủ/công ty nào, và điều này hiển nhiên sẽ dẫn đến một câu hỏi mà nhà đầu tư mới sẽ đặt ra: giá trị của nó đến từ đâu? Không như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản hay các loại hàng hóa như dầu và lúa mì, bitcoin không thể được định giá bằng phương pháp dòng tiền chiết khẩu (DCF) hay bằng nhu cầu sử dụng nó để sản xuất ra các loại hàng bậc cao hơn. Bitcoin được xếp vào một loại hàng hóa khác gọi là hàng-hóa-tiền-tệ (monetary good), là loại hàng hóa mà giá trị được xác định bằng lý-thuyết-trò-chơi (game theory). Nó có nghĩa là mỗi thành viên tham gia vào thị trường sẽ định giá món hàng dựa trên nhận định của họ về việc những thành viên khác sẽ định giá bao nhiêu. Để hiểu được điều này thì chúng ta phải quay lại tìm hiểu nguồn gốc của tiền.

Nguồn Gốc của Tiền

Trong những xã hội nguyên thủy nhất của loài người, việc buôn bán giữa các nhóm người được thực hiện thông qua việc đổi chác. Sự kém hiệu quả trong việc đổi chác này đã giới hạn khối lượng và khoảng cách địa lý của kiểu buôn bán này. Bất lợi lớn nhất của việc đổi chác đó là nhu cầu của hai bên tham gia phải xảy ra đồng thời. Anh trồng táo có thể muốn trao đổi với cá của anh ngư dân, nhưng nếu anh ngư dân không muốn ăn táo vào lúc đó thì việc trao đổi không thể xảy ra được. Trải qua lịch sử, nhân loại đã tiến hóa và bắt đầu xuất hiện một sự khao khát sưu tập những thứ quý hiếm (như vỏ ốc, nanh thú và đá lửa). Thậm chí, như Nick Szabo phân tích trong bài luận rất hay về nguồn gốc của tiền, sự yêu thích các vật quý hiếm này đã tạo nên một lợi thế tiến hóa rõ rệt giữa loài người và đối thủ sinh học gần nhất của họ — loài Homo neanderthanlesis.

Sau quá trình tiến hóa, chức năng chính và tối thượng của những món đồ sưu tập quý hiếm chính là nơi để lưu trữ và chuyển giao của cải.

Những món đồ sưu tập này đóng vai trò như một kiểu “tiền nguyên thủy” bằng việc nó giúp cho hoạt động buôn bán giữa các bộ lạc thù địch và việc truyền lại của cải qua các thế hệ trở nên khả thi. Việc buôn bán chuyển giao những món đồ sưu tập này diễn ra không thường xuyên trong xã hội nguyên thủy, và loại hàng hóa này đóng vai trò là “kho-trữ-giá-trị” (store of value) hơn là “phương-tiện-trao-đổi” (medium of exchange) như cách mà tiền được sử dụng trong xã hội hiện đại. Szabo giải thích:

So với tiền hiện đại, tiền nguyên thủy có vận tốc rất chậm — nó có thể chỉ được chuyền tay vài lần trong suốt một đời người. Cho dù vậy, những món đồ sưu tầm có độ bền cao mà ngày nay ta gọi là vật gia truyền này, có thể tồn tại qua nhiều thế hệ và tăng giá trị lên một cách đáng kể — mà đôi khi cũng vì vậy mới bù đắp được nổi chi phí lưu trữ và vận chuyển.

Loài người nguyên thủy phải đối mặt với một thế khó xử mang tính chất lý-thuyết-trò-chơi trong việc quyết định chọn loại vật quý hiếm nào để đi tìm kiếm hay chế tạo ra: vật nào sẽ được những người khác mong muốn sở hữu? Bằng việc dự đoán và chọn đúng vật nào mà nhiều người muốn sưu tầm, người sở hữu sẽ thu lợi cực lớn. Một số bộ lạc nguyên thủy Châu Mĩ như Narragansetts chuyên chế tạo ra những vật sưu tập mà về bản chất là vô dụng nhưng lại rất có giá trị trong buôn bán; những vật này ban đầu thì rất dễ mua, nhưng khi càng nhiều người sử dụng để buôn bán thì giá trị của nó tăng lên rất nhiều. Hơn nữa, việc thu mua những vật này với hy vọng là nó sẽ được dùng để lưu trữ giá trị trong tương lai lại càng thúc giục người ta sở hữu hơn nữa. Sự lặp lại này lại chính là một vòng phản hồi giúp xã hội tập trung lại để chọn ra một kho-trữ-giá-trị duy nhất. Trong lý-thuyết-trò-chơi, nó được gọi là trạng thái “Cân-Bằng-Nash”. Đạt được Cân-Bằng-Nash trong việc chọn ra một kho-trữ-giá-trị là một thành tựu tuyệt vời cho bất cứ xã hội nào, vì nó thúc đẩy giao thương và phân công lao động, tạo nền móng cho sự ra đời của các nền văn minh.

Qua nhiều thiên niên kỉ, với sự phát triển xã hội của loài người và các con đường giao thương được xây dựng, những kho-trữ-giá-trị được các xã hội riêng lẻ phát triển và bắt đầu có sự cạnh tranh với nhau. Người bán hàng và lái buôn bắt đầu đối mặt với việc phải chọn lưu trữ doanh thu của họ bằng kho-trữ-giá-trị của xã hội mình hay là của xã hội mà họ đang giao thương, hay là cả hai - mỗi thứ một ít. Cái lợi của việc sở hữu kho-trữ-giá-trị của nước ngoài đó là sự dễ dàng trong việc buôn bán với nước đó. Và từ đó những thương nhân này lại có động cơ để khuyến khích người trong nước sử dụng kho-trữ-giá-trị nước ngoài hơn, vì như vậy sẽ làm tăng thêm sức mua của kho-trữ-giá-trị này mà họ đang sở hữu. Việc nhập khẩu kho-trữ-giá-trị nước ngoài này không chỉ đem lại lợi ích cho thương nhân mà còn cho cả các xã hội. Hai xã hội hội tụ lại để dùng chung một kho-trữ-giá-trị sẽ nhận thấy chi phí buôn bán giảm đi đáng kể và có sự gia tăng lớn trong của cải tích lũy từ hoạt động thương mại. Thế kỉ 19 là lần đầu tiên mà phần lớn thế giới đã thống nhất sử dụng một kho-trữ-giá-trị chung — vàng — và đây cũng chính là thời kì bùng nổ thương mại lớn nhất trong lịch sử thế giới. Đề cập đến thời hoàng kim này, Bá Tước Keynes viết:

Thời kì đó quả là một chương rực rỡ của nền kinh tế của loài người…với những người có năng lực và tố chất để vượt lên mức trung bình và trở thành tầng lớp trung lưu và thượng lưu, thì cuộc sống của họ đủ đầy với mọi thứ tiện nghi mà tầng lớp vua chúa của các thời đại trước cũng phải ghen tị. Người dân ở London có thể đặt hàng qua điện thoại trong khi nhấm nháp tách trà sáng trên giường, là có thể được giao đến tận cửa đủ mọi thứ hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới với chất lượng mong muốn ngay trong buổi sáng.

Các thuộc tính của một loại kho-trữ-giá-trị tốt

Khi các loại kho-trữ-giá-trị cạnh tranh với nhau, có những thuộc tính nhất định được đem ra so sánh và đánh giá giúp cho những kho-trữ-giá-trị tốt nhất được lựa chọn và từ đó nhu cầu đối với nó sẽ càng ngày tăng. Một kho-trữ-giá-trị lý tưởng sẽ có các thuộc tính sau:

  • Bền vững (Durable): Không dễ bị hư hỏng hoặc bị phá hủy. Vì vậy lúa mì không phải là loại kho-trữ-giá-trị tốt.
  • Gọn nhẹ (dễ vận chuyển)(Portable): Phải dễ cất giữ và vận chuyển, nhờ vậy mới có thể chống lại trộm cắp và giúp cho việc giao thương đến được những nơi xa hơn. Một con bò chắc chắn là sẽ kém hơn một cọng dây chuyền vàng ở khoản này.
  • Thuần nhất (Fungible): Hàng hóa phải có cùng giá trị trên mỗi đơn vị khối lượng và có thể trao đổi ngang hàng được. Thiếu đi thuộc tính này thì vấn đề về nhu cầu không cùng thời điểm (Người dịch: ví dụ anh trồng táo và anh ngư dân ở trên) sẽ không thể giải quyết được. Vì vậy vàng tốt hơn kim cương, vì kim cương không có sự đồng nhất về hình dạng và chất lượng.
  • Xác minh được (Verifiable): Phải dễ dàng và nhanh chóng xác minh được là hàng thật. Điều này sẽ giúp tăng sự tin cậy giữa các bên tham gia mua bán và tăng khả năng thành công của thương vụ.
  • Chia nhỏ được (Divisible): Nó phải dễ dàng chia thành các phần nhỏ hơn. Tính chất này không quá quan trọng trong các xã hội nguyên thủy vì việc buôn bán không diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên khi giao thương phát triển và khối lượng trao đổi này càng ngày càng nhỏ trong mỗi giao dịch và nó đòi hỏi sự chính xác về khối lượng thì đây lại là một thuộc tính cần thiết.
  • Hiếm (Scare) : Như thuật ngữ mà Nick Szabo nghĩ ra, một loại hàng hóa đóng vai trò tiền tệ bắt buộc phải có “sự quý giá không làm giả được”. Nói cách khác, loại hàng hóa này phải khó để tìm hay sản xuất ra số lượng lớn. Sự hiếm có thể nói là thuộc tính quan trọng nhất của một kho-trữ-giá-trị bởi vì nó khơi gọi sự ham muốn của con người với việc sưu tầm những thứ hiếm có. Nó chính là thứ đem lại giá trị đầu tiên cho một kho-trữ-giá-trị.
  • Lịch sử vững chắc (Established history): Xã hội càng coi trọng giá trị của một loại hàng hóa trong thời gian lâu bao nhiêu thì nó càng trở nên là một kho-trữ-giá-trị tốt bấy nhiêu. Một loại kho-trữ-giá-trị đã có lịch sử lâu đời sẽ rất khó bị thay thế trừ khi loại kho-trữ-giá-trị mới vượt trội hơn trong những thuộc tính nêu trên hoặc có sự ép buộc bằng vũ lực.
  • Chống được kiểm duyệt (Censorship-resistant): Đây là một loại thuộc tính mới, và ngày càng trở nên quan trọng trong xã hội kĩ thuật số hiện đại cùng với sự xuất hiện của việc con người ngày càng bị theo dõi và xâm phạm quyền riêng tư. Thuộc tính này là mức độ khó để một chính phủ hay tập đoàn có thể ngăn cản chủ sở hữu loại hàng hóa này cất giữ và sử dụng nó. Các loại hàng hóa chống được kiểm duyệt này là thứ lý tưởng cho với những người phải sống trong một chính quyền luôn muốn kiểm soát tài sản hoặc luôn muốn đưa các hoạt động thương mại bình thường ra ngoài vòng pháp luật.

Bảng dưới đây sẽ xếp hạng Bitcoin, vàng và tiền pháp định (fiat) (như đồng đô-la) thông qua các thuộc tính nêu trên và kèm theo giải thích.

Độ bền:

Không cần bàn cãi, vàng là vua trong hạng mục này. Hầu hết khối lượng vàng từng được khai thác và sản xuất trong lịch sử, bao gồm cả vàng của các Pharaohs, vẫn còn nguyên không hư hại gì đến ngày nay và khả năng sẽ tồn tại như vậy thêm hàng ngàn năm nữa. Những đồng vàng được dùng làm tiền thời xưa vẫn giữ giá trị đáng kể đến ngày hôm nay. Tiền pháp định và bitcoin về bản chất là những bản ghi kĩ thuật số mà cũng có thể tồn tại ở dạng vật chất (như tiền giấy). Vì vậy khi muốn xem xét về độ bền thì không thể lấy dạng vật chất của nó để đem ra đánh giá (bởi vì một tờ dollar bị rách có thể đem đi đổi lấy tờ mới) mà phải xem xét trên độ bền vững của định chế phát hành ra đồng tiền đó. Trong trường hơp tiền pháp định, rất nhiều chính phủ đã xuất hiện rồi biến mất. Đồng Papiermark, Rentenmark và Reichsmark của Cộng Hòa Weimar đã không còn giá trị gì bởi vì định chế phát hành ra nó đã không còn tồn tại. Nếu lịch sử mà tiếp tục lặp lại, thì sẽ rất ngu dốt nếu tin rằng tiền pháp định là bền vững—tuy vậy, đồng dollar Mỹ và bảng Anh là tương đối ngoại lệ trong trường hợp này. Bitcoin, với việc nó không được phát hành bởi bất cứ chính phủ nào, có thể coi là bền miễn là hệ thống mạng lưới của nó còn tồn tại. Với việc tuổi đời của Bitcoin vẫn còn như trẻ sơ sinh thì cũng quá sớm để có thể kết luận một cách chắc chắn về độ bền của nó. Tuy nhiên, điểm sáng có thể thấy ở đây đó là mặc cho rất nhiều nỗ lực điều tiết Bitcoin của các chính phủ và nhiều năm ròng rã chịu sự tấn công của các hacker, mạng lưới Bitcoin vẫn đứng vững và tiếp tục hoạt động, thể hiện một mức độ vững chắc đáng nể.

Gọn nhẹ dễ di chuyển:

Bitcoin là kho-trữ-giá-trị gọn nhẹ nhất từng được sử dụng bởi loài người. Một khóa private key chứa hàng trăm triệu dollar có thể chứa trong một ổ nhớ USB và có thể mang đi khắp nơi. Và cũng chừng đó tiền có thể được chuyển gần như tức thời đến một người khác ở bên kia của trái đất. Tiền pháp định, với bản chất là kĩ thuật số, cũng rất gọn nhẹ dễ di chuyển. Tuy nhiên với những quy định về kiểm soát tài sản của các chính phủ thì việc chuyển một số tiền lớn như vậy có thể mất nhiều ngày hoặc thậm chí là không thể chuyển được. Tiền giấy có thể dùng để né tránh việc kiểm soát tài sản, tuy nhiên rủi ro trong quá trình cất giữ và chi phí vận chuyển lại rất lớn. Vàng, về cơ bản là vật chất, và khối lượng riêng rất lớn, là thứ kém nhất trong hạng mục gọn nhẹ này. Không quá khó hiểu khi phần lớn những đồng tiền vàng trên thế giới này không bao giờ di chuyển. Việc chuyển giao vàng giữa người bán và người mua thông thường được thực hiện trên giấy chứ không phải là trao tay vàng thật sự. Chuyển vàng qua những khoảng cách xa là rất đắt tiền, rủi ro cao và mất thời gian.

Thuần nhất:

Vàng chính là tiêu chuẩn trong hạng mục này. Sau khi nấu chảy thì một ounce vàng này cũng như một ounce vàng khác, không thể phân biệt được. Tiền pháp định thì khác, nó chỉ có độ thuần nhất trong phạm vi cho phép của đơn vị phát hành. Thông thường thì một tờ tiền pháp định sẽ luôn được công nhận như nhau bởi những người tham gia mua bán, tuy nhiên cũng có những trường hợp mà tờ tiền giá trị lớn bị đối xử khác với tờ giá trị nhỏ hơn. Một ví dụ đó là việc chính phủ Ấn Độ đã xóa bỏ giá trị của tờ 500 và 1000 rupee trong nỗ lực ngăn chặn các hoạt động mua bán không đóng thuế. Việc xóa bỏ giá trị này đã làm cho hai tờ tiền nêu trên được trao đổi với một giá thấp hơn với giá trị in trên tờ tiền, và đã làm cho nó mất đi tính thuần nhất khi so sánh với các tờ tiền giá trị thấp. Bitcoin có tính thuần nhất ở mức độ mạng lưới, nghĩa là ở trong mạng lưới thì mỗi bitcoin đều có giá trị như nhau. Tuy nhiên, bởi vì đồng bitcoin có thể được truy vết trên mạng lưới nên một đồng bitcoin nhất định có thể bị đánh giá là “bẩn” nếu như nó liên quan đến các hoạt động phạm pháp và những người bán hàng hay sàn giao dịch có thể sẽ không muốn chấp nhận những bitcoin “bẩn” này. Nếu không có sự cải tiến về bảo mật riêng tư và sự vô danh trong giao thức của mạng lưới Bitcoin thì bitcoin không thể đạt được độ thuần nhất như vàng.

Xác minh được:

Với hầu hết các trường hợp sử dụng, cả tiền pháp định và vàng đều có thể được xác minh khá dễ dàng. Tuy nhiên, mặc cho những tính năng chống giả trên tiền giấy, các chính phủ và công dân vẫn phải đối mặt với nguy cơ tiền giả. Vàng cũng không phải là không bị làm giả. Những tội phạm tinh vi sử dụng tungsten mạ vàng để lừa những nhà đầu tư vàng. Bitcoin thì có thể xác minh với độ chắc chắn theo các công thức toán học. Sử dụng các chữ ký mã hóa, chủ nhân bitcoin có thể dễ dàng chứng minh anh ta là chủ sở hữu của những đồng bitcoin nhất định.

Khả năng chia nhỏ:

Bitcoin có thể chia nhỏ xuống đơn vị một phần một trăm triệu và lượng nhỏ này vẫn có thể được truyền đi (chỉ có điều tiền phí cao sẽ khiến việc truyền một lượng nhỏ như vậy không kinh tế). Tiền pháp định thường được chia nhỏ đến mức của các đồng tiền lẻ, khiến cho tính chất chia nhỏ được của tiền pháp định về cơ bản là đủ tốt cho các hoạt động mua bán. Vàng, mặc dù có thể chia nhỏ về mặt vật lý, nhưng sẽ rất khó khăn để chia đủ nhỏ cho các giao dịch hàng ngày.

Độ hiếm:

Thuộc tính nổi bật của Bitcoin so với tiền pháp định và vàng đó là độ hiếm đã được xác định. Theo thiết kế, tối đa chỉ có 21 triệu bitcoin được tạo ra. Điều này sẽ giúp cho chủ nhân của bitcoin biết trước mình dang sở hữu bao nhiêu phần trăm trên tổng lượng cung. Ví dụ như một người sở hữu 10 bitcoin sẽ biết chắc chắn là tối đa chỉ có 2.1 triệu người có thể sở hữu nhiều bitcoin như anh ta (ít hơn 0.03% dân số thế giới). Vàng, mặc dù vẫn hiếm trong suốt chiều dài lịch sử, không phải là không đối mặt với vấn đề tăng lượng cung. Nếu một ngày mà một phương pháp khai thác vàng mới hiệu quả hơn và kinh tế hơn thì lượng cung vàng sẽ tăng đột biến (ví dụ như khai thác ở đáy biển hay thiên thạch). Còn tiền pháp định thì luôn có nguồn cung tăng liên tục. Các chính phủ luôn có xu hướng tăng cung tiền để đối phó với những vấn đề chính trị trong ngắn hạn. Xu hướng ủng hộ lạm phát của hầu hết các chính phủ trên toàn thế giới dẫn đến việc người cầm tiền pháp định trong tay gần như chắc chắn sẽ mất bớt giá trị theo thời gian.

Lịch sử vững chắc:

Không một loại hàng hóa tiền tệ nào có lịch sử lâu đời như vàng, một lịch sử đi liền với nền văn minh của nhân loại. Những đồng tiền vàng sản xuất từ thời cổ xưa vẫn giữ giá trị đáng kể đến ngày hôm nay. Tiền pháp định thì không thể đạt được chuyện đó, chỉ mới xuất hiện gần đây với một lịch sử rất bấp bênh. Từ ngày đầu ra đời, tiền pháp định trên khắp thế giới đều có một xu hướng chung là giá trị sẽ đi về 0. Lạm phát được sử dụng như là một phương thức đánh thuế vô hình lên người dân hấp dẫn đến mức hiếm có chính phủ nào cưỡng lại nổi. Trong thế kỉ 20, khi mà tiền pháp định đã chi phối kinh tế toàn thế giới, thì một sự thật đã được bộc lộ rõ hơn đó là không thể đặt niềm tin vào tiền pháp định trong dài hạn hay thậm chí là trung hạn. Bitcoin, mặc dù chỉ mới ra đời, đã trải qua đủ những thử thách của thị trường để chứng minh một xác suất cao là nó sẽ không bị mất đi giá trị trong tương lai gần. Hơn nữa, hiệu ứng Lindy cho thấy là Bitcoin càng tồn tại lâu thì sự tin tưởng của xã hội về tương lai lâu dài của nó sẽ càng tăng lên. Nói cách khác, sự tin cậy của xã hội với một loại hàng hóa có bản chất tiệm cận như trong đồ thị dưới đây

Trục tung là thời gian, Trục hoành là sự tin tưởng.

Nếu Bitcoin tồn tại đủ 20 năm, thì sẽ có một sự tự tin chung rằng nó sẽ tồn tại mãi mãi, cũng như việc người ta tin rằng Internet là thứ vĩnh viễn của xã hội hiện đại.

Chống kiểm duyệt :

Một trong những nhu cầu lớn đối với bitcoin thời kì đầu đến từ việc mua bán ma túy. Chính vì vậy mà nhiều người đã hiểu sai rằng nhu cầu sử dụng bitcoin đến từ việc nó mang tính ẩn danh. Thực tế thì bitcoin là một loại tiền không thật sự mang tính ẩn danh; tất cả các giao dịch được truyền phát trên mạng lưới Bitcoin đều được ghi lại vĩnh viễn trong một chuỗi khối (blockchain) mà ai cũng xem được. Những lịch sử giao dịch này sẽ cho phép việc điều tra nguồn gốc của một dòng tiền. Việc điều tra kiểu như vậy đã được thực hiện nhằm tìm ra kẻ chủ mưu trong vụ cướp sàn giao dịch MtGox đình đám. Mặc dù thực tế là nếu làm kĩ thì đúng là có thể dấu danh tính khi sử dụng Bitcoin, tuy nhiên đó không phải là lý do Bitcoin được sử dụng phổ biến để mua bán ma túy. Tính chất then chốt ở đây là sự “không cần xin phép” ở mức độ mạng lưới. Khi bitcoin được truyền phát đi trên mạng lưới Bitcoin, không có bất cứ một sự can thiệp nào của con người vào việc quyết định giao dịch đó có được thực hiện hay không. Là một mạng ngang hàng (peer-to-peer) phi tập trung, Bitcoin về mặt bản chất cốt lõi là không bị kiểm duyệt. Đây là khác biệt rõ ràng nhất với tiền pháp định, khi mà các ngân hàng và các đơn vị kiểm soát giao dịch khác sẽ ngăn chặn và báo cáo lại các giao dịch không được pháp luật cho phép. Một ví dụ kinh điển về việc kiểm soát chuyển tiền đó là việc kiểm soát tài sản. Lấy ví dụ một triệu phú sẽ rất khó mà chuyển tài sản của ông ta qua nước khác nếu như đang có ý định thoát khỏi chính quyền áp bức đất nước. Mặc dù vàng không được phát hành bởi chính phủ, tính chất vật lý của nó khiến việc vận chuyển đi xa rất khó khăn, điều này làm cho nó còn dễ bị chính phủ kiểm soát hơn nhiều lần so với Bitcoin. Nghị Quyết Kiểm Soát Vàng của Ấn Độ là một ví dụ.

Bitcoin có ưu thế trong hầu hết các thuộc tính nêu trên, cho phép nó vượt lên những loại hàng hóa tiền tệ cổ đại và hiện đại và đem lại lợi ích lớn khi được chấp nhận ngày càng rộng rãi. Đặc biệt, sự kết hợp của khả năng chống kiểm duyệt và độ hiếm tuyệt đối đã là một động lực mạnh mẽ cho nhiều nhà đầu tư giàu có chuyển dịch một phần của cải của họ qua loại tài sản mới mẻ này.

Sự Phát Triển của Tiền

Kinh tế học tiền tệ hiện đại có một sự ám ảnh với vai trò trao đổi của tiền. Trong thế kỉ 20, các chính phủ đã chiếm độc quyền việc phát hành tiền và liên tục hạ thấp vai trò làm kho-trữ-giá-trị của nó, tạo nên một niềm tin sai lầm rằng tiền chủ yếu có vai trò để trao đổi. Có rất nhiều người chỉ trích Bitcoin rằng nó không phù hợp để coi như là tiền vì sự biến động giá của nó không thích hợp làm phương tiện trao đổi. Phân tích như vậy chẳng khác nào đem xe đặt trước ngựa. Trong lịch sử, tiền đã luôn có sự phát triển theo những giai đoạn khác nhau, trong đó vai trò lưu trữ giá trị luôn đi trước vai trò trao đổi. Một trong những cha đẻ của kinh tế học lợi nhuận, William Stanley Jevons, đã giải thích:

Về lịch sử…vàng có vẻ như được dùng cho, đầu tiên, là trang sức; thứ hai, là để lưu trữ giá trị; thứ ba, là phương tiện trao đổi; và cuối cùng, là thước đo giá trị.

Nói bằng thuật ngữ hiện đại, tiền luôn phát triển theo bốn giai đoạn:

  1. Sưu tầm: Ở giai đoạn đầu tiên này của sự phát triển, nhu cầu với tiền chỉ xuất phát từ những tính chất đặc biệt của nó, và làm cho người chủ sở hữu cảm thấy đặc biệt. Vỏ ốc, hạt cườm, vàng đều là những món đồ sưu tầm trước khi chuyển vai trò thành tiền
  2. Kho-trữ-giá-trị: Một khi nó được nhiều người mong muốn bởi sự đặc biệt của nó, tiền sẽ dần được xem như một kho-trữ-giá-trị. Và khi một loại hàng hóa dược xem là kho-trữ-giá-trị tốt thì sức mua của nó sẽ tăng lên cùng với nhu cầu lưu trữ giá trị của con người. Sức mua của một kho-trữ-giá-trị cuối cùng rồi sẽ chạm đỉnh và không tăng nữa khi mà nó đã được sở hữu rộng rãi, và lượng người tham gia mới sẽ bắt đầu giảm.
  3. Phương-tiện-trao-đổi: Khi tiền đã được thiết lập hoàn toàn vai trò lưu trữ giá trị, sức mua của nó sẽ ổn định lại. Lúc này phí cơ hội của việc sử dụng nó trong mua bán sẽ giảm dần đến mức mà nó sẽ phù hợp để làm phương-tiện-trao-đổi. Trong những ngày đầu của Bitcoin, rất nhiều người đã không hiểu phí cơ hội khổng lồ của việc sử dụng bitcoin như là phương-tiện-trao-đổi, thay vì là kho-trữ-giá-trị. Câu chuyện nổi tiếng của người đàn ông mua hai cái pizza bằng 10,000 bitcoin (tương đương hơn 100 triệu $ ở thời điểm dịch bài này) đã cho thấy sự nhầm lẫn lớn đó.
  4. Làm đơn vị kế toán: Khi tiền đã được sử dụng rộng rãi làm phương-tiện-trao-đổi, hàng hóa sẽ được tính giá theo đơn vị của loại tiền đó. Nói cách khác là tỉ lệ trao đổi giữa hàng hóa và loại tiền đó sẽ được niêm yết một cách rộng rãi. Có một sự hiểu lầm phổ biến hiện nay rằng đã có nhiều hàng hóa được tính giá bằng bitcoin. Ví dụ như bạn có thể mua một tách cafe bằng bitcoin tuy nhiên giá niêm yết không thực sự là bằng bitcoin; mà nó là giá tính trên số dollar mà người bán mong muốn được chuyển đổi qua bitcoin theo tỉ giá USD/BTC trên thị trường. Nếu giá của bitcoin hạ so với dollar thì số bitcoin bạn phải trả cho tách cafe đó sẽ tăng lên tương ứng. Chỉ khi nào người bán đồng ý chấp nhận bitcoin cho việc thanh toán mà không quan tâm đến tỉ giá so với tiền pháp định thì lúc đó chúng ta mới có thể xem Bitcoin như là một đơn vị kế toán thực sự.

Các loại hàng-hóa-tiền-tệ chưa trở thành đơn vị kế toán có thể hiểu là được “tiền tệ hóa một phần”. Ngày nay vàng chính là đang đóng vai trò đó, nó là một kho-trữ-giá-trị nhưng đã bị chính phủ can thiệp xóa mất vai trò là phương-tiện-trao-đổi. Cũng có khi một loại hàng hóa đóng vài trò là phương-tiện-trao-đổi còn những loại hàng hóa khác thì đóng các vai trò còn lại. Điều này đặc biệt đúng ở những nước có vấn đề vận hành như Argentina hay Zimbabwe. Trong cuốn sách Digital Gold, Nathaniel Popper viết:

Ở Mĩ, đồng dollar đóng một lúc cả ba vai trò của tiền: là một phương tiện trao đổi, là đơn vị để đo lường giá cả hàng hóa, và là một tài sản để có thể lưu trữ giá trị. Ở Argentina thì lại khác, trong khi đồng peso được dùng làm phương tiện trao đổi hàng ngày thì không ai dùng nó để lưu trữ giá trị. Tiết kiệm tiền bằng đồng peso cũng như ném tiền qua cửa sổ vậy. Vì vậy người dân đổi đồng peso dư qua dollar để tiết kiệm, vì nó giữ giá trị tốt hơn. Và vì đồng peso quá biến động, người dân thường nhớ giá tính theo dollar, vì nó làm đơn vị đo lường phù hợp hơn về lâu dài.

Bitcoin hiện nay đang chuyển đổi từ giai đoạn đầu tiên sang giai đoạn thứ hai. Khả năng là sẽ mất nhiều năm nữa bitcoin mới có thể chuyển từ kho-trữ-giá-trị sáng phương-tiện-trao-đổi thực thụ, và chặng đường đó vẫn còn đầy những rủi ro và bất định. Nhưng cũng rất quan trọng để nhớ rằng quá trình chuyển đổi tương tự cũng đã kéo dài hàng thế kỉ với vàng. Không ai sống đủ lâu để có thể chứng kiến đầy đủ quá trình tiền tệ hóa của một loại hàng hóa (như đang diễn ra với Bitcoin), bởi vậy có rất ít kinh nghiệm còn sót lại ngày nay để có thể dự đoán quá trình này sẽ đi về đâu.

Sự phụ-thuộc-vào-quá-khứ-giá (path dependence)

Trong quá trình tiền tệ hóa (monetization), một loại hàng-hóa-tiền-tệ sẽ có sự tăng nhanh về sức mua. Nhiều người đã cho rằng sự tăng sức mua của Bitcoin hiện nay nhìn như một “bong bóng”. Mặc dù từ này có ngụ ý chê bai rằng Bitcoin đang được định giá quá cao, nó lại vô tình đúng. Một tính chất phổ biến với tất cả các loại hàng-hóa-tiền-tệ đó là sức mua của nó luôn cao hơn giá trị sử dụng. Và thực tế thì nhiều loại hàng hóa tiền tệ trong lịch sử hoàn toàn không có giá trị sử dụng. Sự chênh lệch giữa sức mua và giá trị sử dụng của một loại hàng hóa tiền tệ có thể tạm gọi là “phí-tiền-tệ” (monetary premium). Khi một loại hàng-hóa-tiền-tệ đi qua các giai đoạn tiền tệ hóa (như liệt kê ở trên) thì phí-tiền-tệ nay sẽ tăng lên. Tuy vậy, phí này không đi theo một đường đoán trước được. Chẳng hạn như hàng hóa X đang trong quá trình tiền-tệ-hóa thì bị cạnh tranh bởi hàng hóa Y vì Y phù hợp với vai trò tiền tệ hơn, thì phí-tiền-tệ của X có thể giảm lớn hoặc biến mất hoàn toàn. Phí-tiền-tệ của bạc vào cuối thế kỉ 19 đã biến mất hoàn toàn khi mà các chính phủ đã chuộng vàng và bỏ rơi bạc.

Người dịch: Phí-tiền-tệ của các loại hàng-hóa-tiền-tệ khác nhau. Phần màu xám là nhu cầu từ công nghiệp, phần màu vàng là phí-tiền-tệ.

Ngay cả khi không có các tác nhân bên ngoài như chính phủ can thiệp hay cạnh tranh với các hàng-hóa-tiền-tệ khác thì phí-tiền-tệ của một loại tiền mới cũng sẽ không đi theo một con đường dự đoán được. Nhà kinh tế học Larry White đã quan sát và ghi nhận:

Vấn đề của câu chuyện bong bóng giá, đó là nó luôn đi theo đúng với tất cả những đường dự đoán giá khác nhau, nhưng lại không thể đem lại một lý giải cho bất kì một đường giá nào cả.

Quá trình tiền tệ hóa mang tính chất lý-thuyết-trò-chơi; mỗi một thành viên tham gia vào thị trường đều cố gắng dự đoán tổng mức cầu của tất cả những thành viên còn lại nhằm xác định phí-tiền-tệ trong tương lai. Bởi vì phí-tiền-tệ không được gắn liền với bất kì một giá trị sử dụng nào nên người tham gia thị trường thường dùng giá trong quá khứ để xác định xem một loại hàng-hóa-tiền-tệ đang mắc hay rẻ và có nên mua hay bán. Mối liên kết của nhu cầu hiện tại với giá trong quá khứ được gọi là “sự-phụ-thuộc-vào-quá-khứ-giá” (path dependence) và nó có thể là nguyên nhân lớn nhất cho những hiểu lầm khi tìm hiểu những biến động về giá của hàng-hóa-tiền-tệ.

Khi sức mua của một loại hàng-hóa-tiền-tệ tăng lên cùng với sự phổ biến của nó, thì những mức giá được coi là “rẻ” hay “mắc” sẽ dịch chuyển tăng lên tương ứng. Cũng như vậy, khi giá của một loại hàng-hóa-tiền-tệ lao dốc, tâm lý chung sẽ cho rằng giá trước đây là “vô lý” hay bị bơm lên quá cao. Sự-phụ-thuộc-giá-quá-khứ được minh họa bằng lời của nhà quản lý quỹ nổi tiếng Wall Street Josh Brown:

Tôi mua [bitcoin] giá tầm đâu $2300 và nó tăng gấp đôi gần như ngay sau đó. Rồi tôi mới nghĩ “mình không thể nào mua thêm nữa”, và rồi cứ nhìn nó tăng thêm, ngay cả khi nhận định đó chẳng dựa vào bất cứ cái gì khác ngoài cái giá tôi đã mua trong quá khứ. Và rồi đến tuần trước, khi giá tụt dốc cùng với việc chính phủ Trung Quốc bắt bớ các sàn giao dịch, tôi lại tự nhủ, “Ôi tuyệt, hy vọng là họ đóng cửa hết mấy cái sàn luôn để tôi còn mua thêm”

Sự thật là khái niệm “rẻ” và “mắc” gần như vô nghĩa khi nói đến hàng-hóa-tiền-tệ. Giá của hàng-hóa-tiền-tệ không phải là sự phản ánh của dòng tiền hay mức độ hữu dụng của nó, mà là việc nó được chấp nhận rộng rãi như thế nào với các vai trò của tiền.

Và càng làm phức tạp hơn tính phụ-thuộc-vào-quá-khứ-giá này đó là việc những người trên thị trường không chỉ tham gia một cách vô tư và mua bán theo dự đoán xu hướng giá, mà họ còn là những “nhà truyền đạo” tích cực. Bởi vì khi không có cơ sở để xác định phí-tiền-tệ, việc “thần thánh hóa” những thuộc tính ưu việt của một loại hàng-hóa-tiền-tệ sẽ hiệu quả hơn là làm điều đó với hàng hóa thông thường vốn có giá trị luôn được gắn liền với dòng tiền hoặc nhu cầu trên thị trường. Sự nhiệt tình theo kiểu tôn giáo này với Bitcoin có thể được thấy ở khắp các forum nơi mà những người nắm hàng rất tích cực quảng bá những lợi ích của Bitcoin và việc có thể làm giàu bằng cách đầu tư vào nó. Quan sát thị trường Bitcoin, Leigh Drogen bình luận:

Bạn nhận ra nó như một tôn giáo — bạn thấy một câu chuyện được mọi người kể cho nhau nghe và cùng đồng ý. Tốc độ lan truyền làm chúng ta liên tưởng đến tôn giáo. Ngay khi một người mới tham gia, anh ta sẽ đi “giảng đạo” cho người xung quanh ngay sau đó. Rồi bạn bè của anh ta lại tham gia, rồi họ lại tiếp tục đi “giảng đạo” cho những người mới.

Việc so sánh với tôn giáo có thể làm cho Bitcoin có vẻ gì đó phi lý, nhưng việc những người sở hữu bitcoin tích cực quảng bá và thúc đẩy để nó được chấp nhận rộng rãi cũng không quá khó hiểu. Tiền đóng vai trò là nền tảng cho buôn bán và cất giữ tiết kiệm, vì vậy nó càng được sử dụng rộng rãi thì nó càng đem lại nhiều lợi ích cho các thành viên trong cộng đồng.

Hình dạng của quy trình tiền-tệ-hóa

Không có một quy luật rõ ràng nào về con đường mà hàng-hóa-tiền-tệ sẽ đi theo trong quá trình tiền-tệ-hóa, và trong lịch sử tiền-tệ-hóa khá ngắn của Bitcoin thì một mẫu hình (pattern) đã xuất hiện gây ra nhiều sự tò mò. Giá bitcoin có vẻ như theo một mẫu hình phân dạng (fractal pattern) mà trong đó mỗi một lần lặp lại của phân hình đều khớp với chu-kì-thổi-phồng-Gartner (Gartner hype cycle)

Người dịch: Chu kì Gartner với trục tung là mức độ hiện diện, trục hoành là thời gian. Các pha của chu kì bao gồm Technology Trigger — sự xuất hiện của công nghệ mới, Peak of Inflated expectation — đỉnh của sự kì vọng được thổi phồng, Trough of Disillusionment — Cái máng của sự vỡ mộng, Slope of Enlightment — Con Dốc của sự tỉnh ngộ, Plateau of Productivity — Vùng đồng bằng của năng suất (công nghệ được chấp nhận và được phát triển ổn định và năng suất cao)

Trong bài viết mang tên Lý Thuyết Suy Đoán Về Độ Phổ Biến/Giá Bitcoin, Michael Casey cho rằng chu-kì-thổi-phồng-Gartner nếu phóng lớn ra sẽ thể hiện các phân đoạn của của đường-phổ-biến-chữ S-tiêu-chuẩn (standard S-curve of adoption) mà rất nhiều công nghệ mang tính cách mạng đã tuân theo trong quá trình phát triển.

Người dịch: Đồ thị về quá trình phổ biến của các công nghệ như điện, điện thoại, máy giặt, máy lạnh, internet v.v . Trục hoành là thời gian theo năm, trục tung là tỉ lệ hộ gia đình ở Mĩ sử dụng công nghệ nói trên.

Mỗi một chu-kì-thổi-phồng-Gartner bắt đầu bằng một sự bùng nổ về độ hào hứng với một công nghệ mới, và giá sẽ được đẩy lên bởi những người đầu tiên tham gia thị trường thời điểm đó. Những người mua sớm nhất là những người có niềm tin vững chắc về khả năng cách mạng của công nghệ mà họ đang đầu tư vào. Và đến một lúc, sự hào hứng của thị trường sẽ đạt đỉnh, số lượng người tham gia mới vào thị trường sẽ giảm dần, và thị trường chỉ còn lại những người đầu cơ mong muốn lợi nhuận nhanh chứ không còn nhiều người quan tâm đến công nghệ mới này.

Tiếp theo sau thời kì đạt đỉnh này thì giá sẽ rơi nhanh và tâm lý đầu cơ sẽ bị thế chỗ bởi sự thất vọng, chế diễu và cảm giác cho rằng công nghệ này không mang tính cách mạng chút nào. Cuối cùng thì giá sẽ chạm đáy và sẽ tạo ra một vùng đồng bằng khi mà những nhà đầu tư tiên phong được tiếp sức bởi những người đã vượt qua được nỗi đau của cú sụp đổ và vẫn giữ niềm tin vào sức mạnh của công nghệ mới này.

Trạng thái giữ giá thấp này sẽ kéo dài mà như Casey gọi là “ổn định và thấp một cách buồn chán”. Trong suốt giai đoạn đồng bằng này, sự quan tâm của công chúng sẽ giảm nhanh nhưng vẫn nó vẫn tiếp tục phát triển sau đó, và cộng đồng những người có niềm tin mạnh mẽ sẽ tăng lên với tốc độ tương đối chậm. Lúc này một mức giá nền mới được thiết lập để sẵn sàng cho một chu-kì-thổi-phồng mới khi mà những người bên ngoài nhận ra công nghệ này sẽ không biến mất và việc đầu tư vào nó có thể không còn rủi ro như thời điểm lúc thị trường đang sụp đổ. Chu-kì-thổi-phồng tiếp theo này sẽ mang đến một lượng người tham gia lớn hơn nhiều và biên độ giá cũng sẽ lớn hơn chu kì trước nhiều lần.

Khi tham gia vào các chu-kì-thổi-phồng-Gartner, rất ít người dự đoán được giá sẽ lên cao tới đâu trong chu kì đó. Giá thường lên nhanh trong giai đoạn đầu của chu kì đến mức không nhà đầu tư nào tưởng tượng nổi. Khi chu kì kết thúc, sẽ có một lý do được các phương tiện truyền thông đưa ra để giải thích. Mặc dù lý do đó (chẳng hạn như một sàn giao dịch bị sụp đổ) có thể đúng là một sự kiện bất ngờ ập đến, nó không phải là nguyên nhân căn bản cho sự kết thúc của chu kì. Những chu-kì-thổi-phồng-Gartner kết thúc khi những người tham gia thị trường mệt mỏi và hụt hơi.

Vàng được cho rằng là đã tuân theo chu-kì-thổi-phồng-Gartner kinh điển vào khoảng thời gian từ cuối 1970 đến đầu 2000. Nhìn vào đó, người ta cũng có thể cho rằng chu-kì-thổi-phồng là một động lực không thể thiếu trong quá trình tiền-tệ-hóa.

Lịch sử giá vàng

Các chu-kì-thổi-phòng-Gartner của Bitcoin

Từ khi lần đầu được mua bán trên sàn vào năm 2010, thị trường Bitcoin đã chứng kiến bốn chu-kì-thổi-phồng-Gartner lớn. Bây giờ nhìn lại, chúng ta có thể xác định chính xác khoảng giá của các chu kì trước đây. Chúng ta cũng có thể định tính những nhóm nhà đầu tư tham gia vào những chu kì này.

0$-1$ (2009 đến Tháng 3/2011): Chu kì thổi phồng đầu tiên diễn ra với thị trường bao gồm chủ yếu những nhà mật mã học, khoa học máy tính và những cypherpunk (những người đam mê và ủng hộ ngành mật mã học). Đây làm những người đã có nền tảng kiến thức để có thể hiểu được tầm quan trọng của phát minh vĩ đại này của Satoshi Nakamoto. Họ cũng chính là những người tiên phong trong việc xác lập rằng giao thức Bitcoin là hoàn hảo về mặt kỹ thuật.

1$-30$ (Tháng 3/2011 đến Tháng 7/2011): Chu kì thứ hai thu hút cả những người sử dụng bitcoin đầu tiên lẫn một lượng lớn những nhà đầu tư hứng thú với tiềm năng của một loại tiền phi-quốc-gia. Những người theo chủ nghĩa tự do như Roger Ver đã bị thu hút bởi Bitcoin vì những hoạt động phản đối thành lập tổ chức (anti-establishment) mà ông ủng hộ sẽ trở nên khả thi nếu như bitcoin được sử dụng rộng rãi. Wences Casares, một nhà khởi nghiệp nổi tiếng và nhiều mối quan hệ, cũng tham gia và chu kì thổi phồng thứ hai này và được biết đến như là người “truyền đạo” Bitcoin đến những nhà đầu tư và chuyên gia công nghệ máu mặt nhất Thung Lũng Silicon

250$-1100$ (Tháng 4/2013-Tháng 12/2013): Chu kì thổi phồng thứ ba diễn ra với sự góp mặt của các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức có đủ can đảm để mua bitcoin qua những kênh cực kì phức tạp và rủi ro. Nguồn thanh khoản chủ yếu của thị trường lúc bấy giờ là sàn MtGox đặt tại Nhật dưới sự điều hành của ông chủ đầy tai tiếng Mark Karpeles, người mà sau đó phải đi tù cùng với sự sụp đổ của sàn này.

Một điểm cần lưu ý đó là sự tăng giá của Bitcoin trong những chu kì thổi phồng nói trên đều chủ yếu có sự liên hệ với độ thanh khoản và việc các nhà đầu tư có thể mua bitcoin dễ dàng như thế nào. Ở chu kì thổi phồng đầu tiên, không có bất cứ một sàn nào để giao dịch, việc có được bitcoin chủ yếu thông qua hoạt động đào hoặc giao dịch trực tiếp với những người đã đào được. Ở chu kì thổi phồng thứ hai, những sàn giao dịch sơ khai đã xuất hiện, nhưng việc mua và giữ an toàn bitcoin từ những sàn này vẫn quá phức tạp cho số đông ngoại trừ những nhà đầu tư giỏi công nghệ. Ngay cả ở chu kì thổi phồng thứ ba, vẫn có những khó khăn đáng kể để nhà đầu tư có thể chuyển tiền đến MtGox để mua bitcoin. Các ngân hàng không mặn mà gì trong việc giao dịch với sàn này, và các bên thứ ba tham gia chuyển tiền thì thường kém năng lực, hoặc lừa đảo, hoặc cả hai. Ngoài ra, rất nhiều người chuyển được tiền rồi cuối cùng lại bị mất khi sàn này bị hack và đóng cửa.

Chỉ sau sự sụp đổ của MtGox và hai năm chững lại của bitcoin thì những nguồn thanh khoản vững chắc hơn mới bắt đầu xuất hiện; ví dụ như những sàn hợp pháp như GDAX và công ty môi giới OTC như Cumberland mining. Đến chu kì thổi phồng thứ tư bắt đầu vào 2016 thì đã các nhà đầu tư cá nhân đã có thể mua và cất giữ bitcoin một cách tương đối dễ dàng.

1100$-$19600? (2014-?):

Vào thời điểm viết bài này, thị trường Bitcoin đang ở trong chu kì thổi phồng thứ 4. Thành phần tham gia lúc này được Michael Casey gọi tên là “Số đông đến sớm” (Early Majority).

Người dịch: Trục tung là % đạt được của tổng thị trường mục tiêu, trục hoành là thời gian. Các nhóm nhà đầu tư bao gồm nhóm những người chấp nhận đầu tiên — Early Adopter, nhó đa số đến sớm — Early Majority, nhóm đa số đến sau — Late Majority và nhóm đến trễ — Laggards.

Với những nguồn thanh khoản lớn và vững chắc hơn, những tổ chức đầu tư lớn bây giờ đã có cơ hội tham gia thông qua những thị trường hợp đồng tương lai hợp pháp. Sự có mặt của của thị trường hợp đồng tương lai đã mở đường cho quỹ Bitcoin ETF đầu tiên, và chính là con đường dẫn nhóm “số đông đến sau” (late majority) và nhóm “đến trễ” (laggard) tham gia vào những chu kì thổi phồng tiếp theo.

Mặc dù là rất khó dự đoán biên độ của chu kì thổi phồng lần này, cũng không quá vô lý khi ước chừng đỉnh của nó có thể trong khoảng 20'000$ đến 50'000$. Vượt cao hơn khoảng này nhiều lần thì Bitcoin sẽ chiếm giữ một phần đáng kể của toàn bộ giá trị của thị trường vàng (vàng và Bitcoin sẽ có giá trị thị trường tương đương nhau ở thời điểm viết bài nếu bitcoin đạt giá khoảng 380'000$). Một phần lớn giá trị thị trường vàng đến từ nhu cầu của các ngân hàng trung ương và gần như sẽ không xảy ra chuyện các ngân hàng trung ương hay các quốc gia tham gia vào chu kì thổi phồng lần này.

Sự tham gia của các quốc gia

Chu-kì-thổi-phồng-Gartner cuối cùng của Bitcoin sẽ diễn ra khi các quốc gia bắt đầu tích lũy nó như là một phần của kho dự trữ ngoại tệ. Vốn hóa thị trường của Bitcoin hiện nay là quá nhỏ để có thể thêm vào dự trữ của hầu hết các quốc gia. Tuy nhiên, khi sự quan tâm của khối tư nhân tăng cao và vốn hóa thị trường tiến đến mức 1 triệu tỉ dollar thì nó sẽ trở nên đủ thanh khoản để các quốc gia bắt đầu tham gia vào thị trường. Sự tham gia chính thức của một quốc gia đầu tiên có thể sẽ kích hoạt một làn sóng của những quốc gia khác theo bước. Những quốc gia chấp nhận Bitcoin sớm nhất sẽ mang về lợi nhuận lớn nhất cho ngân sách nếu như sau đó Bitcoin trở thành loại tiền dự trữ toàn cầu. Rất tiếc, khả năng cao là những nước chuyên quyền nhất như Bắc Triều Tiên sẽ là những nước tích lũy Bitcoin sớm và nhanh nhất. Những chính phủ phương Tây vốn không muốn cải thiện vị thế kinh tế của những nước chuyên quyền nói trên, đồng thời với bản chất phân quyền kém hiệu quả của chế độ dân chủ sẽ ngần ngại và cuối cùng trở thành người đến sau cùng trong cuộc đua tích lũy dự trữ bitcoin.

Trớ trêu thay Mĩ lại đang là một trong những nước cởi mở nhất về các quy định với Bitcoin, trong khi Trung Quốc và Nga lại là những nước có thái độ thù địch nhất. Nên nhớ Mĩ là nước chịu rủi ro lớn nhất về vị thế địa chính trị nếu như Bitcoin lật đổ USD để trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu. Trong những năm 1960, Charles de Gaulle đã từng chỉ trích “đặc quyền quá đáng” mà nước Mĩ được hưởng từ chính sách tiền tệ quốc tế họ xây dựng cùng với hiệp ước Bretton Woods năm 1944. Nga và Trung Quốc vẫn chưa nhận ra những lợi ích của Bitcoin trong vai trò đồng tiền dự trữ và vẫn mãi lo lắng với những nguy cơ gây ảnh hưởng đến thị trường nội địa. Cũng như de Gaulle vào những năm 1960, người đã đe dọa sẽ thiết lập lại tiêu chuẩn vàng để đối phó với những đặc quyền phi lý của Mĩ, Nga và Trung Quốc sẽ từ từ nhận ra những lợi ích của việc có dự trữ lớn một loại kho-trữ-giá-trị-phi-quốc-gia (non-sovereign store of value) (Nd: ý muốn nói như vàng hay bitcoin). Với năng lực đào Bitcoin lớn nhất thế giới, chính quyền Trung Quốc đã có một lợi thế rõ rệt trong việc tích lũy bitcoin vào kho dự trữ quốc gia của mình.

Nước Mĩ luôn tự hào là quốc gia của đổi mới, mà Thung Lũng Silicon là tâm điểm của cả nền kinh tế. Và cho đến nay thì Thung Lũng Silicon vẫn mang tiếng nói áp đảo trong tất cả những cuộc thảo luận với các nhà quản lý về việc nên áp dụng chính sách như thế nào với Bitcoin. Tuy nhiên, phía ngân hàng và Cục Dự Trữ Liên Bang cũng đã bắt đầu cảm nhận được những dấu hiệu của sự đe dọa tồn vong với chính sách tiền tệ của Mĩ mà Bitcoin đem đến nếu một ngày nó trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu. Tờ Wall Street Journal, tiếng nói của Cục Dự Trữ Liên Bang, đã công bố một bình luận về mối nguy của Bitcoin với chính sách tiền tệ của Mĩ như sau:

Có một mối nguy hiểm khác, thậm chí có thể còn nghiêm trọng hơn dưới góc nhìn của ngân hàng trung ương và nhà quản lý: bitcoin có thể sẽ không sụp đổ. Nếu cơn sốt đầu cơ của tiền mã hóa chỉ là khởi đầu cho một tương lai trong đó nó được sử dụng rộng rãi như là một đồng tiền thay thế cho dollar, nó sẽ đe dọa sự độc quyền về tiền của các ngân hàng trung ương.

Trong những năm sắp tới, sẽ có một cuộc giằng co giữa một bên là những người đi đầu về công nghệ ở Thung Lũng Silicon, vốn muốn giữ cho Bitcoin ngoài tầm kiểm soát của nhà nước, và một bên là hệ thống ngân hàng và ngân hàng trung ương, những người sẽ bằng mọi giá muốn điều tiết Bitcoin để ngăn sự sụp đổ của ngành công nghiệp ngân hàng cũng như quyền phát hành tiền của họ.

Sự chuyển đổi thành phương-tiện-trao-đổi

Một loại hàng-hóa-tiền-tệ không thể chuyển đổi thành một phương-tiện-trao-đổi được chấp nhận rộng rãi (vốn là định nghĩa tiêu chuẩn của kinh tế học về “tiền”) trước khi nó được chấp nhận rộng rãi về mặt giá trị, vì lý do không bàn cãi được đó là một loại hàng hóa không có giá trị sẽ không thể được chấp nhận để buôn bán. Trong quá trình để được chấp nhận rộng rãi về mặt giá trị, một loại hàng-hóa-tiền-tệ sẽ có sự tăng nhanh về sức mua, dẫn người sở hữu sẽ mất một phí cơ hội cao nếu đem nó ra và dùng trong việc trao đổi. Chỉ khi nào phí cơ hội này giảm xuống một mức phù hợp thì nó mới trở thành một phương-tiện-trao-đổi được chấp nhận rộng rãi.

Nói chính xác hơn, một hàng-hóa-tiền-tệ chỉ có thể trở thành phương-tiện-trao-đổi nếu tổng của phí cơ hội và phí giao dịch giảm xuống thấp hơn chi phí để thực hiện giao dịch đó khi không sử dụng loại hàng-hóa-tiền-tệ đó.

Trong một xã hội sử dụng phương thức đổi chác hàng hóa, việc chuyển đổi từ kho-trữ-giá-trị thành phương-tiện-trao-đổi diễn ra ngay cả khi hàng-hóa-tiền-tệ đang trong quá trình tăng sức mua bởi vì phí giao dịch của việc đổi chác hàng hóa là cực lớn. Trong một xã hội phát triển, khi mà phí giao dịch thấp, vẫn có khả năng cho một loại kho-trữ-giá-trị mới nổi như Bitcoin có thể trở thành một phương-tiện-trao-đổi, cho dù là trong một phạm vi hạn chế. Một ví dụ đó là thị trường ma túy nơi mà người mua sẵn sàng hy sinh những cơ hội từ việc nắm giữ bitcoin để có thể giảm thiểu những nguy cơ lớn của việc mua ma túy bằng tiền pháp định.

Tuy nhiên, vẫn có những rào cản có tổ chức chống lại việc những kho-trữ-giá-trị mới trở thành phương-tiện-trao-đổi được chấp nhận rộng rãi trong xã hội phát triển hiện nay. Các chính phủ sử dụng thuế như một phương thức hiệu quả để chống lại nguy cơ tiền chính phủ bị thay thế bởi các loại hàng-hóa-tiền-tệ khác. Tiền chính phủ có một lợi thế đó là nó luôn luôn có mức cầu ổn định, nhờ vào việc chỉ có thể đóng thuế bằng tiền chính phủ. Ngoài ra, các loại hàng-hóa-tiền-tệ khác còn phải chịu thuế mỗi khi nó được giao dịch ở mức giá cao hơn lúc mua. Loại thuế này chính là lực cản lớn nhất của quá trình chuyển hóa từ kho-trữ-giá-trị lên phương-thức-trao-đổi.

Tuy vậy, những rào cản nêu trên không phải là không thể vượt qua. Nếu niềm tin vào tiền chính phủ bị mất đi, giá trị của nó có thể lao dốc trong một quá trình mang tên siêu-lạm-phát (hyperinflation). Trong quá trình này, đầu tiên tiền chính phủ sẽ mất giá so với các loại hàng hóa thanh khoản cao khác như vàng hay USD nếu như các loại hàng hóa này vẫn có để mua bán. Khi nguồn cung của các loại hàng hóa này giảm đi hay thậm chí biến mất, đồng tiền bị siêu lạm phát sẽ sụp đổ so với các hàng hóa thực như bất động sản và hàng hóa thiết yếu. Một hình ảnh thường thấy trong thời kì siêu lạm phát đó là các siêu thị sạch trơn hàng hóa sau khi người dân tranh thủ tống khứ đi những tờ bạc đang mất giá nhanh chóng của quốc gia.

Cuối cùng, khi mà niềm tin bị mất đi hoàn toàn thì tiền chính phủ sẽ không còn được ai chấp nhận, và xã hội sẽ quay về phương thức đổi chác hoặc một loại tiền khác sẽ được sử dụng làm phương-tiện-trao đổi. Một ví dụ của quá trình này là sự thay thế dollar Zimbabwe bằng dollar Mĩ. Sự thay đổi tiền chính phủ bằng ngoại tệ thường gặp khó khăn bởi sự hiếm hoi của ngoại tệ trên thị trường và thiếu các tổ chức tài chính nước ngoài để cung cấp thanh khoản.

Khả năng truyền bitcoin xuyên biên giới và không cần hệ thống ngân hàng khiến cho Bitcoin trở thành hàng-hóa-tiền-tệ hoàn hảo để tích trữ khi bị siêu-lạm-phát diễn ra. Trong những năm tiếp theo, nếu các đồng tiền pháp định tiếp tục đi theo xu hướng lịch sử và cuối cùng sẽ mất hoàn toàn giá trị, Bitcoin sẽ ngày càng trở nên phổ biến như là một nơi trú ẩn toàn cầu. Khi một đồng tiền chính phủ bị từ bỏ và thay thế bởi Bitcoin thì Bitcoin sẽ hoàn tất việc chuyển đổi từ kho-trữ-giá-trị sang phương-tiện-trao-đổi. Daniel Krawiz đã đặt tên cho quá trình này là “siêu bitcoin hóa” (hyperbitcoinization)

Những hiểu sai thường gặp

Phần lớn bài viết này đã tập trung vào bản chất tiền tệ của Bitcoin. Với nền tảng cơ bản đó, chúng ta bây giờ mới có thể đi vào xem xét những hiểu sai thường gặp nhất về Bitcoin.

Bitcoin là một bong bóng

Bitcoin, cũng như tất cả những loại hàng-hóa-tiền-tệ trên thị trường, chứa đựng một phí-tiền-tệ. Phí-tiền-tệ này chính là nguyên nhân mà người ta chỉ trích Bitcoin như một “bong bóng”. Tuy nhiên, tất cả các loại hàng-hóa-tiền-tệ đều có phí-tiền-tệ. Mà thực ra, chính phí-tiền-tệ này (phần chênh lệch so với giá trị sử dụng) là thứ tạo nên đặc tính của tất cả các đồng tiền. Nói một cách khác, tiền luôn luôn trong trạng thái “bong bóng” ở mọi nơi. Rất nghịch lý nhưng một hàng-hóa-tiền-tệ có thể cùng lúc vừa là bong bóng vừa được định giá thấp nếu như nó đang ở trong những bước đầu tiên của quá trình phổ biến hóa.

Giá Bitcoin biến động quá lớn

Mức độ biến động của Bitcoin phụ thuộc vào sự mới mẻ của nó. Trong một vài năm đầu sau khi xuất hiện, giá Bitcoin lên xuống như penny-stock, khi có người mua lớn — chẳng hạn như anh em nhà Winklevoss — thì giá có thể nhảy vọt. Khi nó càng phổ biến và độ thanh khoản tăng lên với thời gian, độ biến động của Bitcoin đã giảm đi tương ứng. Khi Bitcoin đạt được giá trị thị trường như vàng thì độ biến động của nó cũng sẽ tương tương vàng. Khi Bitcoin vượt vàng, độ biến động của nó sẽ giảm đến mức có thể phù hợp để làm phương-tiện-trao-đổi. Như đã nói ở trên, quá trình tiền tệ hóa của Bitcoin diễn ra theo một chuỗi các chu-kì-thổi-phồng-Gartner. Độ biến động thấp nhất ở phần “đồng bằng” trong chu kì, và cao nhất khi đạt đỉnh và sụp đổ. Mỗi chu-kì-thổi-phồng sẽ có độ biến động thấp hơn chu kì trước nhờ vào độ thanh khoản của thị trường đã tăng lên.

Phí giao dịch quá cao

Chỉ trích mới đây với mạng lưới Bitcoin đó là việc tăng phí giao dịch khiến nó không còn phù hợp để thanh toán. Tuy nhiên việc tăng phí này là bình thường và đã được dự báo trước. Phí giao dịch là chi phí cần trả để các nhà đào bitcoin bảo vệ mạng lưới thông qua việc xác thực giao dịch. Nhà đào được trả công thông qua phí giao dịch hoặc phần thường khối (block reward).

Với việc lượng cung đã cố định theo kế hoạch của Bitcoin — vốn là một chính sách tiền tệ lý tưởng cho một kho-trữ-giá-trị — phần thưởng khối sẽ giảm dần về 0 và mạng lưới cuối cùng sẽ phải được bảo vệ bằng phí giao dịch. Một mạng lưới với phí “thấp” là một mạng lưới có độ bảo mật kém và dễ bị kiểm duyệt. Những người quảng cáo cho những coin có phí giao dịch thấp vô hình trung đang mô tả về yếu điểm của những đồng “alt-coin” này.

Gốc rễ của lời chỉ trích đối với phí giao dịch “cao” của Bitcoin đến từ niềm tin cho rằng Bitcoin phải nên là phương thức thanh toán trước rồi mới làm kho-trữ-giá-trị sau. Như chúng ta đã thấy trong phần lịch sử của tiền, niềm tin này đã đặt ngựa ra trước xe. Chỉ khi nào Bitcoin trở thành kho-trữ-giá-trị vững chắc thì nó nó mới phù hợp để làm phương tiện thanh toán. Hơn nữa, một khi phí cơ hội của việc giao dịch với bitcoin ở mức đủ thấp thì hầu hết các giao dịch sẽ không diễn ra trên mạng lưới Bitcoin mà ở ở mạng lưới “lớp thứ hai” với phí giao dịch thấp hơn nhiều. Mạng lưới lớp thứ hai , như Lightning, sẽ cung cấp một phiên bản hiện đại của khế ước giống như thứ được dùng để chuyển giao sở hữu vàng vào thời thế kỉ 19. Khế ước đã được các ngân hàng sử dụng bởi việc vận chuyển các đồng vàng có chi phí lớn hơn nhiều so với việc vận chuyển tờ khế ước. Tuy nhiên, khác với khế ước trước đây, mạng Lightning sẽ cho phép việc vận chuyển bitcoin với phí giao dịch thấp mà chỉ cần rất ít hoặc không cần sự tin tưởng vào bên thứ ba như ngân hàng. Việc phát triển mạng Lightning là một phát kiến kĩ thuật cực kì quan trọng với lịch sử của Bitcoin và giá trị của nó sẽ càng trở nên rõ ràng hơn khi nó được hoàn thiện và chấp nhận trong những năm sau này.

Cạnh tranh

Là một phần mềm giao thức mã nguồn mở, việc copy phần mềm Bitcoin và mạng lưới của nó luôn luôn khả thi. Qua nhiều năm nay, rất nhiều những phiên bản sao chép như vậy đã được tạo ra, từ hàng nhái như Litecoin, cho đến những phiên bản phức tạp như Ethereum với việc hứa hẹn khả năng xử lý những hợp đồng có độ phức tạp bất kì ứng dụng nền tảng tính toán phi tập trung. Bitcoin thường bị các nhà đầu tư chỉ trích là nó sẽ không giữ được giá trị khi mà đối thủ có thể dễ dàng sao chép và nâng cao tính năng với những đột phá công nghệ mới nhất.

Sai lầm trong lý lẽ nói trên đó là tất cả những đối thủ của Bitcoin đều thiếu “hiệu ứng mạng lưới” (network effect) vốn chỉ dành cho công nghệ ra đời đầu tiên. Hiệu ứng mạng lưới — phần giá trị nhờ vào việc nó là mạng lưới thống thị — là một tính năng. Bất cứ công nghệ nào sở hữu được hiệu ứng mạng lưới thì đó sẽ là tính năng tối quan trọng của công nghệ đó.

Hiệu ứng mạng lưới của Bitcoin bao gồm thanh khoản của thị trường, số lượng người sở hữu, cộng đồng lập trình viên và nhận diện thương hiệu của nó. Những nhà đầu tư lớn, bao gồm cả các chính phủ, sẽ tìm đến thị trường có độ thanh khoản cao nhất để họ có thể mua bán nhanh chóng mà không làm ảnh hưởng giá. Các lập trình viên sẽ đổ dồn về cộng động đã có sẵn nhiều tài năng nhất, góp phần xây dựng cộng đồng này mạnh mẽ hơn. Nhận diện thương hiệu là thứ có khả năng tự gia cố, vì những đối thủ cạnh tranh với Bitcoin sẽ luôn được đem ra so sánh với Bitcoin.

Ngã ba đường

Một xu hướng nổi bật diễn ra vào năm 2017 đó là không chỉ sao chép phần mềm Bitcoin mà còn sao chép toàn bộ lịch sử giao dịch trong quá khứ (được gọi là chuỗi khối — blockchain). Bằng việc sao chép chuỗi khối của Bitcoin đến một thời điểm nhất định rồi sau đó tách nó ra thành một mạng lưới khác, thông qua một quy trình được gọi là “rẽ nhánh” (forking), các đối thủ của Bitcoin đã giải quyết được vấn đề phải phân phối một lượng lớn đồng tiền (token) mới đến một lượng người dùng mới.

Sự kiện rẽ nhánh lớn nhất kiểu này đã diễn ra vào 1/8/2017 khi mà một mạng lưới mới mang tên Bitcoin Cash (BCash)đã được tạo ra. Người sở hữu N bitcoin trước ngày 1/8/2017 sau đó sẽ sở hữu đồng thời N bitcoin và N đồng BCash. Một cộng đồng nhỏ nhưng lớn tiếng bao gồm những người ủng hộ BCash đã cố gắng không ngừng nghỉ để tước đoạt nhận diện thương hiệu Bitcoin, thông qua cả việc đặt tên mạng lưới mới của mình cũng như những chiến dịch để thuyết phục người mới tham gia rằng BCash mới chính là Bitcoin “thật”. Những nỗ lực này đã thất bại thảm hại, thể hiện qua vốn hóa thị trường của hai mạng lưới này. Tuy vậy, với các nhà đầu tư mới, vẫn có một rủi ro nhất định rằng một đối thủ sẽ sao chép Bitcoin và thành công trong việc vượt qua giá trị vốn hóa và soán ngôi của Bitcoin.

Có một quy luật có thể rút tỉa được từ những lần rẽ nhánh lớn trên cả mạng Bitcoin và Ethereum. Phần lớn giá trị vốn hóa của thị trường sẽ rơi vào mạng lưới nào giữ được cộng đồng lập trình viên có danh tiếng và tích cực nhất. Vì mặc dù Bitcoin được xem như là một loại tiền mới, nó cũng là một mạng lưới máy tính được xây dựng dựa trên một phần mềm vốn cần được bảo trì và cải tiến. Mua những đồng tiền (token) của một mạng lưới mới có ít sự hỗ trợ của các lập trình viên cũng như mua một hệ điều hành nhái lại Windows mà không có sự hỗ trợ của những kĩ sư phần mềm giỏi nhất từ Microsoft vậy. Từ lịch sử của những lần rẽ nhánh xảy ra từ 2017, có thể thấy rõ ràng là những nhà khoa học máy tính và chuyên gia mã hóa kinh nghiệm nhất đã cam kết phát triển phiên bản Bitcoin nguyên bản chứ không phải bất cứ phiên bản sao chép nào.

Những rủi ro thực sự

Mặc dù những chỉ trích thường thấy đối với Bitcoin trên các phương tiện thông tin và trong giới kinh tế đều dựa trên những hiểu biết sai lầm về tiền tệ, vẫn có những rủi ro thực sự đáng kể với việc đầu tư Bitcoin. Hiểu được những rủi ro này là điều cực kì quan trọng với những người dự định đầu tư vào Bitcoin.

Rủi ro về giao thức

Có thể trong tương lai, người ta phát hiện ra những lỗ hổng về thiết kế trong giao thức Bitcoin cũng như những nền tảng về mã hóa mà nó dựa vào để phát triển hoặc độ an toàn của chúng bị mất đi cùng với sự phát triển của điện toán lượng tử. Nếu một lỗ hổng được phát hiện ra trong giao thức, hoặc những hệ thống điện toán mới có thể phá vỡ việc mã hóa của Bitcoin thì niềm tin vào Bitcoin sẽ bị suy giảm nghiêm trọng. Rủi ro về giao thức đã ở mức cao nhất trong những năm phát triển đầu tiên của Bitcoin, khi mà ngay cả những chuyên gia về mã hóa vẫn chưa khẳng định được Satoshi Nakamoto đã tìm được lời giải cho Bài Toán Đại Tướng Byzantine. Những lo ngại về các lỗ hổng nghiêm trọng trong giao thức Bitcoin đã dần hạ nhiệt qua từng năm, tuy nhiên với bản chất về công nghệ của nó, rủi ro về giao thức vẫn luôn luôn tồn tại với Bitcoin, dù đó là một rủi ro ngoại lề (outlier risk).

Sàn giao dịch đóng cửa

Với bản chất phi tập trung, Bitcoin đã thể hiện khả năng chịu đựng và phục hồi đáng nể trước vô số nỗ lực của các chính phủ để điều tiết hoặc đóng cửa hoạt động của nó. Tuy nhiên, các sàn giao dịch nơi bitcoin được trao đổi với tiền pháp định đều có tính tập trung cao và đều có nguy cơ bị điều tiết hay đóng cửa. Không có các sàn này hay sự hợp tác của các ngân hàng với chúng thì quá trình tiền tệ hóa của Bitcoin nếu không bị dập tắt thì cũng chậm lại đáng kể. Mặc dù có những nguồn thanh khoản khác chẳng hạn như các nhà môi giới OTC và các thị trường phi tập trung (như localbitcoins.com), quy trình định giá (price discovery) tối quan trọng lại diễn ra ở những sàn thanh khoản cao nhất, mà chúng lại đều là dạng tập trung.

Để đối phó với nguy cơ bị đóng cửa các sàn sẽ lựa chọn quốc gia để hoạt động. Binance, một sàn lớn được sinh ra tại Trung Quốc, đã dời đến Nhật sau khi chính phủ Trung Quốc ngưng hoạt động của nó. Có chiều chính phủ cũng quá cẩn trọng với những công nghệ mới, và vì vậy đã đẩy những lợi thế cạnh tranh to lớn vào tay những quốc gia khác.

Chỉ bằng việc phối hợp ở mức độ toàn cầu để đóng cửa các sàn giao dịch thì quá trình tiền tệ hóa của Bitcoin mới bị dừng lại hoàn toàn. Cuộc đua bây giờ của Bitcoin đó là phải trở nên phổ biến rộng rãi đến mức mà việc đóng cửa nó sẽ trở nên bất khả thi về mặt chính trị như việc đóng cửa Internet vậy. Khả năng xảy ra sự đóng cửa này là một rủi ro có thật, và cần phải tính đến trước khi đầu tư vào Bitcoin. Như đã nói đến trong phần trên về việc tham gia của các quốc gia, các chính phủ cuối cùng cũng đã nhận ra mối nguy của một loại tiền kĩ thuật số phi chính phủ không bị kiểm duyệt đối với chính sách tiền tệ của họ. Câu hỏi mở bây giờ là liệu họ có hành động kịp thời trước khi Bitcoin trở nên quá vững chắc để việc tấn công nó bằng chính trị trở nên vô nghĩa.

Độ thuần nhất

Tính mở và minh bạch của chuỗi khối Bitcoin khiến cho một số bitcoin nhất định có thể được chính phủ đánh dấu là “bẩn” sau khi nó tham gia vào những hoạt động ngoài vòng pháp luật. Mặc dù khả năng chống kiểm duyệt của Bitcoin ở mức độ mạng lưới vẫn cho phép những bitcoin này được truyền đi, nếu những quy định được áp dụng để cấm những bitcoin này được giao dịch trên sàn hay với người bán hàng thì giá trị của nó gần như là biến mất. Bitcoin lúc này sẽ mất đi môt tính chất mấu chốt của hàng-hóa-tiền-tệ: độ thuần nhất.

Để giải quyết vấn đề độ thuần nhất của Bitcoin, những cải tiến ở mức độ giao thức phải được thực hiện để tăng độ bảo mật riêng tư của các giao dịch. Trong khi đã có những đồng tiền mới đi tiên phong giải quyết vấn đề này như Monero và Zcash, vẫn có những sự đánh đổi phải được cân nhắc giữa mức độ hiệu quả và phức tạp của Bitcoin với độ bảo mật riêng tư. Câu hỏi vẫn còn mở cho việc liệu những tính năng tăng độ riêng tư có thể được thêm vào Bitcoin mà không làm mất đi độ hữu dụng về mặt tiền tệ của nó hay không.

Kết luận

Bitcoin là một loại tiền mới đang ở chuyển đổi từ giai đoạn sưu tầm thành kho-trữ-giá-trị. Là một loại hàng-hóa-tiền-tệ phi chính phủ, có khả năng trong tương lai nó sẽ trở thành một loại tiền quốc tế giống như vàng ở thời kì tiêu chuẩn vàng ở thế kỉ 19. Việc phổ biến Bitcoin như là một loại tiền quốc tế chính là luận điểm cho khả năng tăng giá của Bitcoin, như được Satoshi Nakamoto nói hồi đầu 2010 trong một email gửi tới Mike Hearn:

Nếu bạn hình dung về việc nó được dùng cho một phần của thương mại thế giới, và rồi sẽ chỉ có 21 triệu coin cho cả thế giới, giá trị của mỗi coin sẽ lớn hơn rất nhiều.

Khả năng này đã được khẳng định còn mạnh mẽ hơn bởi chuyên gia mã hóa Hal Finney, người nhận những bitcoin đầu tiên gửi từ Nakamoto, ngay sau khi lần đầu tiên phần mềm Bitcoin được công bố:

Hãy hình dung Bitcoin thành công và trở thành hệ thống thanh toán thống trị trên toàn cầu. Lúc này giá trị của đồng tiền sẽ bằng tổng tài sản của cả thế giới. Ước tính tổng tài sản của các hộ gia đình trên toàn thế giới ở tầm 100 đến 300 ngàn tỉ dollar. Với tổng 20 triệu coin, giá trị của mỗi coin sẽ ở mức 10 triệu dollar.

Ngay cả khi Bitcoin không hoàn toàn trở thành đồng tiền toàn cầu mà chỉ đơn giản trở thành đối thủ cạnh tranh với vàng trong vai trò kho-trữ-giá-trị phi chính phủ, thì nó cũng đang ở mức định giá thấp khủng khiếp. Khi gán giá trị vốn hóa của lượng vàng hiện hữu trên mặt đất (tương đương 8 ngàn tỉ dollar) với 21 triệu coin sẽ cho giá một bitcoin tương đương 380'000 dollar. Như đã bàn ở các phần trước, khi xét đến những tính chất làm nên một kho-trữ-giá-trị tốt, Bitcoin vượt trên vàng ở tất cả các hạng mục ngoại trừ lịch sử vững chắc. Với thời gian và khi hiệu ứng Lindy bắt đầu phát huy tác dụng, lịch sử vững chắc sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh của vàng nữa. Vì vậy, không quá vô lý để dự đoán rằng Bitcoin sẽ tiếp cận hay thậm chí là vượt qua giá trị vốn hóa của vàng trong thập niên tiếp theo. Một điểm tuy nhiên cần phải lưu ý trong lý thuyết này đó là phần lớn giá trị vốn hóa của vàng đến từ việc các ngân hàng trung ương dự trữ nó như là kho-trữ-giá-trị. Để Bitcoin có thể đạt được hay vượt qua giá trị vốn hóa của vàng thì sẽ cần có sự tham gia của vài chính phủ. Việc các chính phủ phương Tây có tham gia sở hữu Bitcoin hay không vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, khả năng cao hơn là một tay lãnh đạo độc tài tự phong nào đó sẽ đưa quốc gia của mình thành chính phủ đầu tiên tham gia thị trường Bitcoin

Trong trường hợp không có bất cứ một chính phủ nào tham gia thị trường , thì khả năng tăng giá của Bitcoin vẫn còn đó. Là kho-trữ-giá-trị phi chính phủ chỉ được sử dụng bởi các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, Bitcoin vẫn còn ở giai đoạn đầu của đường-cong-phổ-biến (adoption curve) — nhóm “đa số đến sớm” vẫn còn đang bắt đầu tham gia thị trường trong khi nhóm “đa số đến sau” vẫn còn cách nhiều năm nữa mới bắt đầu vào. Với sự tham gia rộng rãi của các nhà đầu tư cá nhân và đặc biệt là các tổ chức đầu tư thì mức giá trong khoảng 100'000$ đến 200'000$ là có thể xảy ra.

Sở hữu bitcoin là một trong số ít những cách đặt cược bất đối xứng mà cả thế giới đều có thể tham gia. Giống như một quyền chọn mua (call option), mức tối đa khi thua của nhà đầu tư được giới hạn ở mức 1x, trong khi có tiềm năng thắng ở mức 100x hoặc hơn. Bitcoin là bong bóng đầu tiên ở tầm thế giới mà kích cỡ và độ phủ của nó chỉ giới hạn bởi mong muốn bảo vệ tài sản tiết kiệm của loài người. Và thật ra, Bitcoin đã xuất hiện như phượng hoàng tái sinh từ tro tàn của cuộc khủng hoảng toàn cầu 2008 vốn xảy ra bởi chính sách của những ngân hàng quốc gia như Cục Dự Trữ Quốc Gia Mĩ.

Ngoài những thảo luận về mặt tài chính, sự nổi lên của Bitcoin như một kho-trữ-giá-trị phi chính phủ sẽ có một tác động sâu sắc về mặt địa chính trị. Một đồng tiền dự trữ toàn cầu không bị lạm phát sẽ buộc các quốc gia phải thay đổi phương thức thu ngân sách từ lạm phát qua đánh thuế trực tiếp, vốn là phương thức không được ưa chuộng về mặt chính trị. Ngân sách của các chính phủ sẽ thu nhỏ lại cùng với nỗi đau chính trị của việc giờ đây chỉ còn cách duy nhất để thu ngân sách là thông qua thuế. Ngoài ra, thương mại toàn cầu sẽ đạt một trạng thái ổn định mới như mong muốn của Charles de Gaulle mà ở đó không có bất cứ quốc gia nào có đặc quyền hơn quốc gia khác:

Chúng tôi nhận thấy sự cần thiết phải thiết lập lại một hệ thống thương mại quốc tế, như nó đã từng tồn tại, trước những sự kiện không may xảy ra trên thế giới, dựa trên một nền tảng tiền tệ không thể tranh cãi, và là một nền tảng không có sự liên hệ với bất kì một quốc gia cụ thể nào.

50 năm nữa kể từ ngày hôm nay, nền tảng tiền tệ đó sẽ là Bitcoin.

Về tác giả

Vijay Boyapati là một cựu kĩ sư Google với niềm đam mê về kinh tế học Austrian. Hãy theo dõi tác giả trên Twitter

Thông báo miễn trừ trách nhiệm

Quan điểm trong bài viết này và tất cả các sai sót là của cá nhân tác giả

Bài viết chỉ mang mục đích cung cấp thông tin. Nó không có mục đích tư vấn về đầu tư.

--

--